Đánh giá Thích_Trí_Quang

Theo tướng Nguyễn Hữu Có thì trong Sự kiện 30 tháng 4 năm 1975 thì Hòa thượng Thích Trí Quang là một kênh liên lạc của đại tướng Dương Văn Minh với phía bên kia. Từ sau 1975 cho, ông sống tại Saigon, tĩnh tu tại một ngôi chùa ở Gò Vấp. Bên cạnh việc san dịch kinh sách, ông hoàn tất một hồi ký đặc biệt về cuộc vận động của Phật giáo Việt Nam.

Theo James McAllister trong "Only Religions Count in Vietnam: Thich Tri Quang and the Vietnam War," thì: "Học giả bên cánh hữu thì cho rằng Hòa thượng Thích Trí Quang chắc chắn là tay sai cộng sản hoạt động theo chỉ thị của Hà Nội. Học giả bên cánh tả thì lý luận rằng Hòa thượng Thích Trí Quang là một lãnh đạo tôn giáo ôn hoà dấn thân cho dân chủ và quyết tâm đòi chấm dứt chiến cuộc nhanh chóng." Tuy nhiên: "Nếu căn cứ vào những bằng chứng được lưu trữ qua các cuộc đàm thoại của Hòa thượng Thích Trí Quang với giới chức Mĩ thì rõ ràng là, Hòa thượng Thích Trí Quang thực sự có thái độ chống cộng mạnh mẽ và hoàn toàn chấp nhận việc Mĩ dùng sức mạnh quân sự đối với Bắc Việt và Trung Quốc. Yếu tố chính dẫn đến xung đột giữa phong trào Phật giáo và chính quyền Johnson là việc Hòa thượng Thích Trí Quang quả quyết rằng các chế độ quân sự tiếp theo Ngô Đình Diệm có thái độ thù nghịch với Phật giáo và thiếu khả năng đưa cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa Cộng sản đến một kết thúc thắng lợi. "[6]

Trong tự thuật của Đỗ Trung Hiếu, "Thống nhất phật giáo Việt Nam" viết 1994, ông ta đã thuật lại với cựu bộ trưởng bộ ngoại giao Bắc Việt Xuân Thủy 1981 việc Trần Bạch Đằng, cựu bí thư thành ủy Sài Gòn cho Thích Trí Quang là loại CIA chiến lược, với những lý do như "năm 1964 nhân trận lụt lớn ở miền Trung, quân Giải phóng chuẩn bị nhổ các đồn bót ngụy, Trí Quang nêu khẩu hiệu "Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cứu lụt". Cờ 5 màu dựng trên các Canô, tàu máy bay trực thăng cứu sạch bọn ngụy quân... Năm 1965 Mỹ đổ quân trắng trợn xâm lược miền Nam Việt Nam, Mặt trận Giải phóng Miền Nam nêu khẩu hiệu chống quân phiệt để đẩy mạnh Phong trào chiến tranh Cách mạng chống Mỹ xâm lược, Thượng tọa Trí Quang nêu khẩu hiệu "cầu nguyện hòa bình" làm hạn chế cuộc đấu tranh chống Mỹ của ta." [7]

Nguyễn Cao Kỳ nhận xét Thích Trí Quang là người có tham vọng chính trị nhưng vì là người tu hành nên ông không thể nắm giữ các chức vụ trong chính quyền vì vậy ông muốn trở thành một "thái thượng hoàng" của miền Nam Việt Nam, người có thể điều khiển giới lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa theo ý mình. Sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Phật giáo tại miền Nam trở thành một lực lượng "kiêu binh" gây rối loạn nền chính trị Việt Nam Cộng hòa[8].